Đức Đạt-lai Lạt-ma tự mô tả mình là một tu sĩ đơn giản. Điểm đặc trưng trong lời dạy của Ngài ở những chuyến đi hoằng pháp khắp nơi trên thế giới là tình yêu thương nồng ấm. Với sự hài hước, hóm hỉnh nhưng giản dị, Ngài chia sẻ, trả lời câu hỏi về các chủ đề vĩ mô của nhân loại liên quan đến cuộc sống, cái chết, niềm vui, bệnh tật, đau khổ, sự bám chấp, giận dữ, tình yêu thương, nhưng chung quy lại Ngài chỉ đơn giản nói với chúng ta rằng: Hãy có lòng tốt!
Bản chất căn bản mà tất cả chúng ta đều có chính là lòng tốt, được viện dẫn trong câu trích của Đức Đạt-lai Lạt-ma mà thường được lặp đi lặp lại trên các phương tiện truyền thông xã hội đến nỗi cụm từ này đã trở thành một trào lưu sống phổ biến, theo đúng nghĩa của nó: “Tín ngưỡng của tôi rất đơn giản. Không cần đền chùa. Không cần triết lý phức tạp. Tâm thức của bạn, trái tim của bạn chính là một ngôi chùa. Triết lý sống của bạn chính là có một lòng tốt đơn thuần.”
Tất cả chúng ta đều muốn được đối xử tử tế. Khi chúng ta đối xử tốt với người khác, chúng ta cảm thấy mãn nguyện, trong khoảnh khắc ân sủng đó, chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng và thoát khỏi những áp lực mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày.
Chúng ta cảm thấy hài lòng. Lòng tốt có thể chỉ là một nụ cười, một cử chỉ thân thiện, một hành động hào phóng, một việc làm từ thiện, một khoảnh khắc quan tâm đến nhu cầu của người khác hơn là của chính mình.
Cho dù chúng ta có thể gọi chúng là sự thiện chí, tình cảm, sự quan tâm hay dịu dàng, thì những việc làm tử tế như trên có nguồn gốc và phát triển từ tình yêu thương.
Trong tập sách này, Đức Đạt-lai Lạt ma chia sẻ với chúng ta về tình yêu thương. Ngài trình bày một con đường cho và nhận, đồng thời chỉ bày cho chúng ta một phương cách thực hành hướng về tình yêu thương và lòng tốt.
Trong cuốn sách nhỏ này, Đức Đạt-lai Lạt-ma khuyên chúng ta, rằng: “Hãy có lòng tốt!”
Hãy thể hiện lòng tốt bất cứ khi nào có thể.
Và chúng ta luôn có thể làm một người tốt.
Trích đoạn sách:
Tình yêu thương, hay còn gọi là lòng trắc ẩn, là điều tuyệt vời và quý giá nhất. Khi chúng ta nói về tình yêu thương, điều đáng khích lệ ở đây là bản chất căn bản của con người chính là tình yêu thương và sự dịu dàng.
Đôi khi tôi tranh luận với những người bạn, những người tin rằng bản chất của con người là tiêu cực và hiếu chiến. Tôi lập luận rằng nếu bạn nghiên cứu về cấu trúc cơ thể con người, bạn sẽ thấy rằng chúng ta giống với những loài động vật có vú mà có cách sống nhẹ nhàng và yên bình hơn các loài khác.
Đôi khi tôi nửa đùa nửa thật rằng đôi bàn tay của chúng ta được sinh ra để ôm chứ không phải để đánh nhau. Nếu đôi bàn tay của chúng ta được sinh ra dành cho việc đánh nhau thì không cần những ngón tay xinh đẹp để làm gì.
Ví dụ, nếu mở rộng các ngón tay thì các võ sĩ đấm bốc không thể đấm mạnh, vì vậy họ buộc phải nắm chặt các ngón tay lại thì mới tạo thành nắm đấm
Do vậy điều này có nghĩa, cấu trúc vật lý sinh học căn bản của chúng ta đã tạo ra tình yêu thương và sự dịu dàng theo một cách rất tự nhiên.
Nếu chúng ta nhìn vào các mối quan hệ, chúng ta sẽ thấy quan hệ bạn đời, hôn nhân, và sinh con có vai trò rất quan trọng. Hôn nhân không nên dựa trên tình yêu mù quáng hay một loại tình yêu điên cuồng cực độ, nó nên dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau và sự thấu hiểu rằng hai người phù hợp để sống cùng nhau.
“BẢN CHẤT CĂN BẢN CỦA CON NGƯỜI LÀ TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ DỊU DÀNG.”
Hôn nhân không phải chỉ là cảm giác thoả mãn tạm thời, mà còn là một dạng ý thức trách nhiệm nào đó. Tình yêu chân thành chính là nền tảng của hôn nhân.
Việc thụ thai đúng đắn một đứa trẻ được hình thành trong kiểu thái độ đạo đức hoặc tinh thần đó. Theo một số nhà khoa học, khi đứa trẻ còn ở trong bụng mẹ, sự bình an của người mẹ có tác động tích cực lên đứa trẻ dù chưa được sinh ra.
Nếu tinh thần của người mẹ tiêu cực – ví dụ cô ấy mệt mỏi hay tức giận – thì khi đó rất có hại cho sự phát triển lành mạnh của thai nhi.
Một nhà khoa học đã nói với tôi rằng vài tuần đầu tiên sau khi sinh là giai đoạn quan trọng nhất. Trong suốt giai đoạn đó, não đứa trẻ đang được mở rộng.
Trong giai đoạn này, sự đụng chạm của người mẹ, hoặc là sự xúc chạm của một ai đó vào đứa trẻ giống như một người mẹ, là điều vô cùng quan trọng.
Điều này cho thấy thậm chí khi một đứa trẻ có thể chưa nhận biết được ai với ai, nhưng bằng cách nào đó trẻ đã cần tình cảm và sự quan tâm của người khác. Nếu không có điều này, thì rất có hại cho việc phát triển lành mạnh của não trẻ.
Sau khi sinh, hành động đầu tiên của người mẹ là bồng trẻ trên tay và cho con bú sữa. Nếu người mẹ thiếu tình cảm hoặc cảm xúc với con thì sữa sẽ không chảy ra.
Nếu người mẹ cho con ăn với sự dịu dàng, bất chấp những đau đớn mà mình đang phải trải qua, thì sữa sẽ tuôn ra một cách tự nhiên.
Tình yêu thương này giống như một viên ngọc quý.
Thêm nữa, về phía đứa trẻ, nếu bé thiếu đi cảm giác gần gũi mẹ, bé sẽ không bú. Điều này cho thấy tình cảm mẫu tử tuyệt vời này cần đến từ cả hai phía.