Bản Tình Ca Khúc Khuỷu
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam thường được biết với cái tên “Người của giang hồ” – theo tên một tác phẩm nổi tiếng của tác giả, và cũng vì đề tài anh theo đuổi nhiều nhất trong mỗi bài viết là chuyện của giang hồ. Các bài viết của tác giả gai góc, làm bật lên thân phận con người, khiến người đọc không khỏi xúc động. Nhà báo Nguyễn Hồng Lam hiểu nhân vật của mình; anh dành thời gian dài trò chuyện, tiếp xúc để có một cái nhìn xác thực nhất và cho ra câu chuyện trung thực nhất. Tuy vậy, tính tới năm 2021, tác giả Nguyễn Hồng Lam mới chỉ cho ra mắt 6 cuốn sách bởi, như tác giả tự nhận xét, “thận trọng ưu tư, đắn đo, cầu toàn”. Và đó mà lý do sau gần 20 năm “Vụ án Đồi Hoa Mai” (2005) ra mắt, tác giả Nguyễn Hồng Lam mới cho ra đời “Bản tình ca khúc khuỷu”.
“Bản tình ca khúc khuỷu” là tập hợp 16 truyện ký về “những con người thật, những sự việc đã xảy ra, những cuộc đời cụ thể đã bị số phận khắc dấu”. Đó là cuộc đời hai người phụ nữ Võ Thị Gặp và Lữ Thị Toán đã gồng gánh một mình chăm sóc gia đình, sau khi chồng đi bộ đội, để rồi khi chiến tranh kết thúc, chồng trở về, hai bà nhận ra mình không thể có thai, và quyết định cho chồng lấy vợ khác để “góp hai cuộc đời lại cho một cuộc đời” (Hai bà mẹ xóm Cồn). Đó là tình yêu son sắt, chung thủy của cô giáo trẻ Ngọc Điệp đối với người yêu chịu án tù chung thân, nhưng khi sự thật được phơi bày thì “Cuộc đời cô, tình yêu của cô, gió bụi cuộc đời đã rứt đi, tan tác biết mấy thu rồi…!” (Bản tình ca khúc khuỷu). Đó là nỗi khao khát được làm mẹ, được có một gia đình của chị Mâu, vì vậy chị nhận nuôi bé Xuyến, rổ rá cạp lại với một người đàn ông, nhưng ước mơ giản dị đó lại dễ dàng vụn tan ra bởi đói nghèo đeo bám; và bé Xuyến lớn lên trong tình thương của mẹ nuôi, nhưng tình thương ấy lại không đủ sức dạy dỗ bé trưởng thành đúng nghĩa, “Đời nó rồi cũng không khá gì hơn bố mẹ đẻ của nó đâu” (Những đứa trẻ không có mùa thu). Và nhiều mảng đời khác nữa, tang thương có, bi kịch có, nhưng ẩn sâu bên trong là nghị lực sống, là sống cho xứng đáng kiếp làm người, vì “thiên chức buộc họ trót phải mang… có tên chung là ngõ đàn bà”.
“Bản tình ca khúc khuỷu” là “những cuộc đời, những ký ức trĩu buồn nhưng đầy dư ba cảm xúc”, mà khi lật mở những trang đầu tiên, người đọc sẽ khó lòng đặt sách xuống cho tới khi gấp lại trang cuối.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu quý độc giả cuốn sách “Bản tình ca khúc khuỷu”.
Trích đoạn
“Tất cả những nhân vật trong cuốn Bản tình ca khúc khuỷu mà bạn đang cầm trên tay đều không nổi tiếng. Nhưng với tôi, họ đều là những cuộc đời kỳ vĩ. Cuộc đời, hoặc phần đời im lặng nào đó của họ đã nói được rất nhiều điều, nhiều hơn tất cả những gì họ có thể kể, khiến người khác, ít nhất là khiến tôi, đôi khi, phải tự nhủ mình im lặng để mà suy nghĩ. Họ sống như đã sống, sống xứng đáng, vì đơn giản, đó đều là những con người đã sống đến kiệt cùng đời họ, đi đến nấc giản dị cuối cùng mà thiên chức buộc họ trót phải mang. Thiên chức ấy có tên chung là ngõ đàn bà. Ở đó, niềm vui thường thoáng qua, nỗi buồn thì đọng mãi.”
“Dẫu 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn thế nữa, với tôi vẫn có những phận người xa lạ cứ hằn trong tâm trí. Họ không là cây cỏ vô danh, mà có mấy ai trong chúng ta từng nhớ đến sự tồn tại của họ đâu, dẫu chỉ để một lần ghé đến và ngồi lại...?”
“Muốn hiểu rõ mình hơn, xin hãy thử một lần lắng nghe giấc mơ của người khác. Người nghèo khó, ngược lại, cả đến giấc mơ cũng phải tiết kiệm. Với những cuộc đời như vợ chồng chị Mâu, anh Kim, bé Xuyến, bé Nghĩa và cả hai người anh đang ở đợ chăn trâu của nó nữa, toàn bộ giấc mơ không hề thoát ra khỏi sức nặng của chén cơm. Không lẽ kiếp làm người của họ cứ đau đớn và luẩn quẩn mãi trong bi kịch vậy hay sao?”