Anh chỉ có mình em - Một nỗi đau rơi vãi nơi trần thế
“Anh chỉ có mình em” là câu chuyện tình cảm động của đôi lứa sau lũy tre làng một thời hoa lửa. Mối tình đầu mộng mơ của họ diễn ra trên cái bè trôi trên dòng sông quê hương, trong đống rơm vàng vào vụ gặt... Họ yêu nhau, hẹn ước chờ đợi nhau. Tình yêu chân thành cháy bỏng của họ đã làm nên con thuyền đưa họ vượt qua bão giông. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, họ lại không đến được với nhau! Chấn thương sọ não do bom đạn đã làm cô gái không nhận ra được người yêu của mình, cô chỉ nhớ được những kỉ niệm đẹp của tình yêu lưu giữ trong kí ức mà không nhận biết được hiện tại. Cô vẫn đau đáu ra rặng dâm bụt nhìn đống rơm vàng gọi người yêu “Hết chiến tranh rồi, sao không thấy anh về?”. Tiếng kêu đau đớn ấy đã làm tan nát bao cõi lòng, đã khắc họa sâu đậm nỗi khổ đau và mất mát mà chiến tranh đã cướp đi, đã hủy hoại không chỉ đời một con người mà còn là nỗi đau của một dân tộc đấu tranh cho độc lập tự do phải gánh chịu...
Cùng với những mô tả về lối sống, nét văn hóa, phong cảnh đặc trưng của một làng quê Bắc Bộ với cây đa, bến nước, con đò, đình làng, rặng tre, cối giã gạo thủ công... đã cho ta một lần trở về với cội nguồn của dân tộc.
Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim truyện nhựa do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1992 với các diễn viên chính là Lê Công Tuấn Anh và Thu Hà. Bộ phim đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý của Nhà nước và được Viện phim của Hà Lan mua để lưu trữ.
Sẽ rất là tuyệt vời nếu trong tủ sách của bạn có tác phẩm “Anh chỉ có mình em” của tác giả Đới Xuân Việt.
Cho ta mãi mãi là tuổi thơ (Lời giới thiệu tản văn Bốn Mùa in chung trong tác phẩm “ANH CHỈ CÓ MÌNH EM” - NXB Hội Nhà Văn 2020)
Bốn Mùa là tập tản văn kể về đông, xuân, hạ, thu vùng châu thổ sông Hồng qua kí ức tuổi thơ của tác giả Đới Xuân Việt.
Ông mở đầu tác phẩm bằng việc kể về mùa đông cô đơn và những kỉ niệm đầu đời của ông với chúng bạn. Nhưng khi ta đọc về mùa đông (Bãng lăng mùa đông) lại không thấy nỗi cô đơn mà cái giá lạnh phương Bắc đã đem đến. Mùa đông của ông thật ấm áp và ngọt ngào. Bát cháo su hào đêm đông và mật ngọt theo gió heo may lên ngọn mía đã đem đến cho ta một sự thích thú đặc biệt. Rồi những cơn gió đêm đông gào rú bên thềm đã xua lũ con trai, con gái lần tìm nhau trong trò chơi trốn tìm... Ông bênh mùa đông và cho ta nhận ra mùa đông không cô đơn, mùa đông cho ta xích lại gần nhau.
Thế rồi xuân đến, hạ qua. Mỗi mùa lại đem đến cho chúng ta những trải nghiệm và khát khao mới lạ. Với trí tưởng tượng phong phú, ông coi mỗi mùa như một nhân vật đầy cá tính riêng biệt. Ta hãy lắng nghe ông kể về mùa Xuân (Sắc Xuân).
“Trời đất hây hẩy gió, những cơn gió đầu Xuân mơn man da thịt, vừa ấm lại vừa lạnh. Mở cửa cho mùa đông ra đi, đất trời mở lòng đón những cơn mưa bụi lất phất, nhỏ li ti, sáng lấp lánh như những hạt ngọc trên chồi non, lá biếc”.
Với mỗi mùa, ông có những nhận xét sâu sắc, tinh tế khiến ta nhớ mãi. Chẳng như ông nói về mùa hè (Hương cỏ cây).
“Khi mùa Xuân qua đi, mùa hạ lạnh lùng ập đến. Một sớm mai thức dậy bỗng thấy trời đất đổi thay. Những cơn mưa bụi biến mất. Trời lồng lộng xanh trong. Ánh nắng chói chang hâm nóng mặt đất làm bốc lên mùi ẩm ướt và ngai ngái của đất đai. Cỏ cây đồng loạt trỗi dậy. Những thứ giống như của cải chất đầy mặt đất và trên những ngọn cây cao thỏa sức cho bọn trẻ tìm kiếm...”.
Đến phần “Mùa thu nào cho em” cảm xúc của tác giả bỗng trào dâng trần ngập ùa vào xâm chiếm lòng ta. Hình như ông hơi thiên vị và giành nhiều yêu thương quyến luyến cho mùa Thu, “mùa của tình yêu đôi lứa”.
“Khi những ngọn gió heo may bắt đầu thổi về, cái nóng ngột ngạt của mùa hè chết lịm đi trong đôi mắt xanh sâu thăm thẳm của mùa thu”.
Nếu như ông coi “mùa Xuân giống như cô gái tóc xõa ngang vai, Đôi mắt to tròn lấp lánh, trìu mến nhìn ta dịu dàng, tha thiết...” thì mùa Thu lại giống như người con gái đẹp chưa một lần yêu. “Mùa thu không thì thầm, không náo nhiệt nhưng cứ mở to mắt nhìn, cứ lặng nhìn thôi”.
Có lẽ đó là hai mùa dịu dàng nhất khiến ông liên tưởng đến bóng hình người con gái chăng?
Thật là độc đáo và thú vị. Điều đó đã làm nên phong cách của Đới Xuân Việt trong “Bốn Mùa”. Nó vừa hư hư lại thực thực...
Ông trân trọng những gì mà trời đất mang đến cho đời mỗi con người. Với một giọng văn hào sảng và khoáng đạt, ông đem đến cho chúng ta những tình cảm nồng cháy đối với thiên nhiên và cuộc sống. Và rồi một nỗi khát khao mơ hồ cứ âm ỉ cháy trong ta...
24/7/2020.